Chuyển đến phần nội dung

Tin tức và Sự kiện

FPT giành cú đúp giải thưởng về bình chọn doanh nghiệp niêm yết

Tháng Mười Hai 9, 2024

Tại sự kiện Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết và Lễ trao giải Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) năm 2024 do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) tổ chức, Tập đoàn FPT đã được vinh danh ở hai hạng mục quan trọng: Top 20 Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành phi tài chínhTop 10 Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất. Đây là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của FPT trong việc nâng cao chất lượng quản trị và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đại diện FPT, bà Mai Thị Lan Anh, Giám đốc Truyền thông lên nhận giải Top 20 Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành phi tài chính.
Đại diện FPT, bà Mai Thị Lan Anh, Giám đốc Truyền thông lên nhận giải Top 20 Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành phi tài chính.

Ấn tượng từ Báo cáo thường niên của Tập đoàn FPT

Theo đánh giá của Ban tổ chức, báo cáo thường niên năm nay của FPT với chủ đề “Đỉnh cao mới, vươn tầm dẫn lối” đã tạo ấn tượng mạnh nhờ cách trình bày sáng tạo và dễ tiếp cận. Báo cáo sử dụng hình ảnh minh họa sáng tạo, màu sắc hài hòa và bảng biểu trực quan, giúp truyền tải thông tin rõ ràng và sinh động. Định hướng nội dung phản ánh sự chuyên nghiệp và tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa FPT trở thành một trong những hình mẫu trong lĩnh vực này.

Quá trình bình chọn kéo dài gần 6 tháng, với hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn tham gia. Kết quả, Hội đồng bình chọn đã chọn ra 44 doanh nghiệp xuất sắc trong ba hạng mục chính: Báo cáo thường niên, Quản trị công ty, và Báo cáo phát triển bền vững. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh cao và sự khắt khe trong tiêu chí đánh giá.

Năm nay, FPT lần đầu tiên tách riêng Báo cáo ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) và công bố định hướng ESG với các mục tiêu cụ thể. Đáng chú ý, FPT cam kết đạt Net Zero vào năm 2040, tiên phong tại Việt Nam trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tập đoàn đặt mục tiêu tạo tác động tích cực đến hơn một triệu người lao động về môi trường sống, học tập và làm việc vào năm 2035.

Trong nhóm 22 doanh nghiệp có vốn hóa lớn, FPT cũng nằm trong số ít đơn vị công bố đầy đủ chính sách bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng và đảm bảo cân bằng giới trong Hội đồng Quản trị. Những nỗ lực này đã giúp FPT khẳng định ESG là yếu tố chiến lược, củng cố vị thế tập đoàn toàn cầu hướng đến phát triển bền vững.

Quản trị công ty xuất sắc giúp doanh nghiệp được định giá tốt hơn

Theo Ban Tổ chức VLCA, có tổng số 107 doanh nghiệp có tình hình quản trị công ty tốt nhất được chọn vào vòng chung khảo, phân theo từng nhóm vốn hóa. Trong 37 DN thuộc nhóm vốn hóa lớn, FPT được Hội đồng bình chọn đưa vào danh sách Top 10 Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hóa lớn.

Trong nhiều năm qua, FPT luôn tuân thủ tất cả các quy định trọng yếu của pháp luật có liên quan đến quản trị công ty nói chung cũng như các quy định quản trị đối với công ty niêm yết. Đồng thời, để tăng cường tính tuân thủ thực hiện quy định pháp luật về quản trị công ty, Tập đoàn cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị theo chuẩn quốc tế, thông qua việc áp dụng và ngày càng bám sát các tiêu chí trong Nguyên tắc Quản trị quốc tế của OECD, Thẻ điểm Quản trị công ty khu vực ASEAN và Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp soạn thảo.

Đại diện FPT, bà Mai Thị Lan Anh, Giám đốc Truyền thông lên nhận giải Top 10 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hóa lớn.
Đại diện FPT, bà Mai Thị Lan Anh, Giám đốc Truyền thông lên nhận giải Top 10 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hóa lớn.

Trong giai đoạn 3 năm gần đây, tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của FPT luôn đạt trên 25%. Giá trị vốn hóa của Tập đoàn đạt 8,4 tỉ USD (thời điểm ngày 10/10/2024). Năm 2024, FPT lên kế hoạch đạt doanh thu 61.850 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỉ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. 9 tháng năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 45.241 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.111 tỉ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo sát kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 5.762 tỉ đồng, tăng trưởng 21,5%, EPS (Earning Per Share) đạt 3.945 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,2% so với năm trước.

Tháng 10 vừa qua, theo nghiên cứu của Brand Finance, FPT ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 67% về giá trị thương hiệu và có sự cải thiện về điểm số Brand Strength Index (BSI) với số điểm 86,9 trên thang điểm 100, đứng trong Top 5 thương hiệu Việt Nam mạnh nhất. Cũng theo nghiên cứu của Brand Finance, FPT được đánh giá cực kỳ cao với tư cách là một thương hiệu được ngưỡng mộ, có uy tín mạnh mẽ. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến và sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu là những yếu tố then chốt củng cố vị thế dẫn đầu của thương hiệu FPT trên toàn cầu.

Theo Ban Tổ chức VLCA, năm 2024 đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác đánh giá giải quản trị công ty. Cơ cấu điểm chấm theo hướng nâng tỉ trọng điểm thông lệ lên 40% (thay vì 30% như những năm trước) và giảm điểm tuân thủ từ 70% xuống còn 60%, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn các thông lệ quốc tế về QTCT, nâng cao tiêu chuẩn về quản trị vượt lên trên mức tuân thủ.

Những nỗ lực cải thiện quản trị và minh bạch của các doanh nghiệp được vinh danh trong VLCA 2024 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty, mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự cam kết mạnh mẽ với các tiêu chuẩn quốc tế về ESG và quản trị công ty là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, gia tăng uy tín, và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital; sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của các đối tác chuyên nghiệp như Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các công ty kiểm toán hàng đầu là PwC, Deloitte, KPMG, EY và sự hỗ trợ thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 02 SGDCK. Kết quả Cuộc bình chọn VLCA 2024 đã khẳng định tính chính xác và khách quan trong quá trình đánh giá. Năm 2024 là năm thứ 17 Cuộc bình chọn đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.

FPT cách mạng hoá quản lý tài chính doanh nghiệp với FPT CFS

Tập đoàn FPT, với hơn 350 bộ sổ kế toán và 45 bộ sổ hợp nhất, quản lý tài chính trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, phần mềm, dịch vụ CNTT, giáo dục và đầu tư. Trước năm 2019, quy trình lập báo cáo tài chính hợp nhất gặp nhiều khó khăn do hệ thống thiếu đồng bộ, đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn, dễ phát sinh sai sót trong kiểm tra thủ công.

Từ năm 2019, FPT triển khai giải pháp FPT CFS, mang đến bước đột phá trong quản lý tài chính. Giải pháp này tự động hóa đến 99% quy trình hợp nhất, giảm 80% thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của số liệu. Kế toán viên giờ đây chỉ cần nhập liệu chính xác, hệ thống sẽ xử lý tự động các báo cáo tài chính hợp nhất ở mọi cấp. Nhờ vậy, FPT hiện chỉ cần một kế toán phụ trách hợp nhất báo cáo tài chính và nằm trong nhóm các doanh nghiệp VN30 nộp báo cáo sớm nhất.

Đặc biệt, FPT CFS hỗ trợ lập báo cáo tài chính song song theo cả chuẩn mực VAS và IFRS. Hệ thống theo dõi và kế toán các khoản chênh lệch tạm thời, tài sản và nợ thuế hoãn lại giữa hai chuẩn mực. Trong tương lai, FPT CFS sẽ tích hợp tính năng chuyển đổi tự động từ VAS sang IFRS, tối ưu hóa quy trình bằng các thuật sĩ tính toán hiện đại.

Với FPT CFS, FPT không chỉ tăng cường hiệu quả quản trị tài chính mà còn khẳng định vị thế dẫn đầu trong áp dụng công nghệ, đồng thời góp phần thúc đẩy các chuẩn mực tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Xem thêm: FPT Chỉ Cần Một Kế Toán Cho Việc Hợp Nhất Báo Cáo Tài Chính

 

© 2024 FPT CFS. Đã đăng ký Bản quyền.