Với 8 công ty con trực tiếp, 72 công ty con gián tiếp, 9 công ty liên kết, 350 bộ sổ kế toán riêng, chia thành 6 cấp, hoạt động trên toàn cầu, Tập đoàn FPT chỉ cần 1 kế toán cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính và là một trong số những công ty nộp báo cáo tài chính sớm nhất trong nhóm VN30.
Đây là kết quả không tưởng với các doanh nghiệp có quy mô lớn và độ phức tạp như FPT, theo chia sẻ Ông Hoàng Hữu Chiến, kế toán trưởng tập đoàn FPT.
Trước tiên, với quy mô tập đoàn lớn hoạt động đa lĩnh vực, hẳn là các nghiệp vụ kế toán của FPT rất phức tạp?
Hiện tại, FPT là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ 13 trên sàn HoSE và là công ty công nghệ duy nhất trong nhóm VN30. Tập đoàn hiện có 8 công ty con trực tiếp, 72 công ty con gián tiếp, 9 công ty liên kết với gần 350 bộ sổ kế toán riêng và hợp nhất được chia thành 6 cấp, hoạt động trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng tôi đang kế toán bằng 35 đồng tiền khác nhau, trong đó có đến gần 50 bộ sổ kế toán của các đơn vị nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho thấy hệ thống kế toán của FPT tương đối phức tạp.
Để đáp ứng nhu cầu đó, chúng tôi phải duy trì nhiều hệ thống ERP và phần mềm kế toán khác nhau nhằm phục vụ công tác ghi chép kế toán hàng ngày.
Chưa kể, với đặc thù của doanh nghiệp niêm yết trên sàn, các yêu cầu đặt ra với hệ thống kế toán thêm phần khắt khe. Chính bởi vậy, công tác lập báo cáo tài chính riêng, chuyển đổi tiền tệ và hợp nhất báo cáo tài chính là công việc thực sự vất vả, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực.
Với khối lượng công việc phức tạp và khổng lồ như vậy, ông có thể chia sẻ hoạt động kế toán thực tế tại văn phòng Tập đoàn FPT đang diễn ra như thế nào?
Với quy mô, số lượng bộ sổ rất lớn như FPT, dùng “sức người” chắc chắn không phải cách tốt nhất. Tại văn phòng Tập đoàn FPT hiện có 6 kế toán nhưng chỉ cần 1 người duy nhất đảm nhận công tác lập báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, hợp nhất báo cáo tài chính của Tập đoàn cũng như bao quát toàn bộ công tác hợp nhất tại các đơn vị, các nhân sự còn lại đảm nhận công tác nguồn vốn, kế toán các phần hành, phân tích và kiểm soát tài chính.
Trước đây, chúng tôi đã thực hiện khảo sát và đánh giá khả năng áp dụng các giải pháp hợp nhất báo cáo tài chính trên thị trường, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy không có giải pháp nào đủ khả năng đáp ứng việc tự động hóa công tác lập báo cáo tài chính và hợp nhất báo cáo tài chính nhiều cấp của FPT.
Cũng vì lẽ này, tôi và đội ngũ của mình đã tự xây dựng giải pháp đóng sổ và hợp nhất báo cáo tài chính của riêng mình, có tên là FPT CFS, bắt đầu áp dụng cho Tập đoàn FPT từ năm 2019.
Sau khi áp dụng, giải pháp FPT CFS đã giúp tập đoàn FPT và các đơn vị thành viên các cấp, các chi nhánh của các đơn vị thành viên trong và ngoài nước giảm được rất nhiều áp lực trong công tác lập báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất. Hệ thống giúp tự động hóa đến 99% công tác lập và hợp nhất báo cáo tài chính (Bảng cân đối kế toán, báo cáo KQKD, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các thuyết minh báo cáo tài chính), rút ngắn thời gian hoàn thành và phát hành báo cáo tài chính vô cùng nhiều.
Đáng chú ý, một vấn đề nhức nhối của kế toán là việc số liệu được ghi chép trên nhiều hệ thống ERP, các phần mềm kế toán và các hệ thống quản lý khác nhau, tạo thách thức và áp lực rất lớn trong việc thu thập dữ liệu, lập và hợp nhất báo cáo tài chính, chưa kể áp lực chạy đua với thời gian để đáp ứng quy định nộp và công bố báo cáo, FPT CFS đã giải quyết gọn gàng vấn đề này.
Xem thêm: Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho chuyển đổi BCTC chuẩn IFRS: Thời gian đã cạn?
Từ sau 2025, các doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS. Liệu đây có phải là thách thức khác mà hệ thống FPT CFS cần giải quyết?
Các thay đổi theo chuẩn IFRS làm phát sinh các khoản chênh lệch tạm thời và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tương ứng cần theo dõi, kế toán và trình bày trên báo cáo tài chính riêng cũng như báo cáo tài chính hợp nhất.
Với FPT, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc lập và hợp nhất báo cáo tài chính song song theo cả chuẩn mực VAS và IFRS bằng FPT CFS, bởi hệ thống có thể giúp ghi nhận và kế toán những khác biệt giữa hai chuẩn mực, theo dõi và kế toán các khoản chênh lệch tạm thời giữa hai chuẩn mực cũng như tài sản hoặc nợ phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tương ứng.
Tới đây, giải pháp này còn tiếp tục thêm tính năng giúp chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS một cách tự động; theo đó, người dùng chỉ cần khai báo tham số cho các mô hình tính toán, việc còn lại sẽ do FPT CFS hoàn tất.
Giải pháp hay nhưng liệu có phù hợp cho tất cả. Theo ông, FPT CFS có thể dễ dàng ứng dụng ở các công ty khác ngoài FPT hay không?
FPT CFS chắc chắn phù hợp vì được phân tích, thiết kế và xây dựng dựa trên các chuẩn mực, có tính hệ thống và khả năng tùy biến rất cao, cho phép tích hợp với nhiều hệ thống ERP cùng với tính bảo mật cao, đem lại khả năng đáp ứng cho mọi tập đoàn trong mọi lĩnh vực hoạt động khác nhau, ngay cả khi một tập đoàn tồn tại nhiều chuẩn mực khác nhau và cần hợp nhất theo các chuẩn mực khác nhau ở mỗi cấp độ hợp nhất.
Tất nhiên, việc áp dụng FPT CFS cũng đòi hỏi những thay đổi về tư duy, định hướng, thói quen và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo, quản lý và nhân viên của các tập đoàn. Chỉ như vậy mới có thể chuẩn hóa được công tác hạch toán và dữ liệu kế toán, giúp tự động hóa được công tác lập và hợp nhất báo cáo tài chính.
Để áp dụng giải pháp FPT CFS, trước tiên, cần tiến hành khảo sát các hệ thống ERP, các phần mềm và ứng dụng liên quan để xác định và đưa ra yêu cầu tích hợp hệ thống. Sau đó là mong muốn về mô hình triển khai của các tập đoàn để xác định yêu cầu về hạ tầng cho triển khai FPT CFS.
Xem thêm: Giải pháp báo cáo tài chính hợp nhất tự động 99% quy trình