Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp và người làm kế toán quan tâm. Đây là một chuẩn mực báo cáo tài chính đang được áp dụng rộng rãi, giúp doanh nghiệp tạo ra báo cáo tài chính nhất quán và dễ so sánh trên phạm vi toàn cầu.
Đề án áp báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam
Hiểu rõ được những bất cập của VAS, tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC về việc Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam với mục tiêu chính là xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng chuẩn mực IFRS tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp cụ thể, đồng thời ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) trên nguyên tắc tiếp thu tối đa các thông lệ quốc tế và phát triển các chuẩn mực phù hợp với điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Theo đó, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo lộ trình 3 giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025.
Thực trạng áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam
Sau 4 tháng Đề án áp dụng IFRS được Bộ Tài Chính phê duyệt, Deloitte Việt Nam và HOSE – Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát tính sẵn sàng áp dụng các chuẩn mực IFRS tại các doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã áp dụng IFRS hoặc đang chuẩn bị chuyển đổi VAS sang IFRS. Trong số các doanh nghiệp chưa áp dụng hoặc đang chuẩn bị áp dụng, có tới hơn 55% doanh nghiệp phản hồi sẽ chuyển đổi và áp dụng trước năm 2025. Về hình thức áp dụng IFRS kết quả khảo sát cho thấy có tới 70% các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS dưới hình thức áp dụng các bút toán chuyển đổi từ VAS sang IFRS khi lập và trình bày BCTC mà không áp dụng hình thức áp dụng ghi nhận tất cả các nghiệp vụ kế toán theo chuẩn mực IFRS ngay từ ban đầu.
Các giai đoạn chuyển đổi
Giai đoạn 1: Thời gian chuẩn bị từ năm 2019 – 2021
Đây là giai đoạn mà Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị những điều kiện gồm tài liệu, cơ chế, nhân lực bao gồm:
- Tài liệu dịch tiếng Việt các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)
- Các văn bản tài liệu hướng dẫn áp dụng IFRS
- Cơ chế tài chính liên quan
- Quy trình triển khai cho các đối tượng cụ thể
- Đào tạo nguồn nhân lực
Giai đoạn 2: Giai đoạn tự nguyện 2022 – 2025
Các doanh nghiệp sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để lập báo cáo tài chính hợp nhất:
- Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế
- Công ty mẹ là công ty niêm yết
- Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết
- Các công ty mẹ khác
Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IFRS để lập báo cáo tài chính riêng, các doanh nghiệp này cần phải đảm bảo:
- Cung cấp đầy đủ thông tin
- Giải trình minh bạch, rõ ràng với cơ quan quản lý, giám sát và cơ quan thuế
Giai đoạn 3: Giai đoạn bắt buộc từ sau năm 2025
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể sau:
- Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước
- Công ty mẹ là công ty niêm yết
- Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết
- Công ty mẹ quy mô lớn khác
Những điều doanh nghiệp cần lưu ý
Những lợi ích khi áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)
Sự cải thiện đáng kể trong chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp không chỉ đảm bảo thông tin đầy đủ và phù hợp hơn với các tiêu chuẩn hiện nay, mà còn giúp xây dựng uy tín trên thị trường và tăng hiệu quả quản trị kinh doanh. Sự minh bạch và dễ đọc hiểu của BCTC cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao dịch quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng giảm chi phí chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài
Các vấn đề về chi phí
Các chi phí như đào tạo nhân sự, nâng cấp hệ thống thông tin kế toán, điều chỉnh chính sách kế toán và cơ sở dữ liệu, cũng như chỉnh sửa hợp đồng kinh tế với đối tác đều là những đầu tư quan trọng để trang bị cho chuyển đổi IFRS. Những khoản chi này không chỉ giúp nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên mà còn tăng cường hiệu suất và minh bạch trong BCTC, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và hợp tác với các đối tác kinh doanh.
Những thay đổi trọng điểm
Chuyển đổi sang IFRS có những thay đổi trọng điểm đáng chú ý. Cơ sở tính thuế có thể khác biệt với cơ quan thuế. Điều khoản trong các hợp đồng kinh tế có thể phải điều chỉnh để phù hợp với IFRS. Doanh nghiệp cần sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu về cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết theo IFRS. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra mượt mà và hiệu quả
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại, việc áp dụng khung chuẩn mực quốc tế IFRS là vô cùng cần thiết không chỉ cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, mà còn cho một số lượng rất lớn các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển mình một cách mạnh mẽ để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế mà trước hết chính là thực hiện lập và trình bày BCTC một cách quy chuẩn theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và minh bạch với các doanh nghiệp tại những quốc gia và vùng lãnh thổ khác.